Saturday, 20/04/2024
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NHỮNG NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN HƯƠNG SƠN

 

Tháng 11 lại về trong không khí cả nước đang hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày mà cả xã hội với tấm lòng trân trọng, tôn vinh, ghi nhận công lao cao cả của các thế hệ nhà giáo đối với xã hội, với quê hương, đất nước. Kỷ niệm 36 năm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, Ngành giáo dục huyện nhà thật vinh dự 4 năm liền là đơn vị được công nhận hoàn thành xuất sắc trên các lĩnh vực công tác được Bộ giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen, thành quả đó đã được đặt nền móng lâu dài trong quá trình phát triển và được tạo bởi với những yếu tố cơ bản sau đây:

Trước hết, Hương Sơn luôn được xem là vùng đất học của xứ Nghệ, vùng đất văn vật, khoa bảng, nơi sự học lên ngôi; những kết quả ấy có sự dựng xây, vun đắp, đóng góp rất lớn các thế hệ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục qua các thời kỳ. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, dưới làn mưa bom bão đạn, những lớp học trong mái lá đơn sơ, dưới hầm trú ẩn vẫn âm thầm gieo chữ trồng người, những nhà giáo vừa là người thầy, vừa là chiến sỹ. Từ giai đoạn đất nước thống nhất, hòa bình được lập lại cho đến đầu thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới việc dạy và học cũng diễn ra trong muôn vàn khó khăn do sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và điều kiện sống rất thấp của nhà giáo, song với sự miệt mài, tận tụy, yêu nghề, các thầy cô vẫn kiên trì bám trường, bám lớp và dạy dỗ biết bao thế hệ học sinh thành đạt, trưởng thành. Nhiều học sinh đã đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và khu vực, nhiều người đã trở thành là cán bộ cao cấp, nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà sản xuất kinh doanh giỏi nổi tiếng. Các thế hệ cán bộ quản lý giáo dục cũng đã hết sức trách nhiệm, sáng tạo và kiên trì trong công tác tham mưu để xây dựng cơ sở vật chất trường học và phát triển giáo dục. Từ chỗ những ngôi trường với mái lá đơn sơ, nhà tranh vách đất nay đã là những dãy nhà cao tầng, kiên cố; từ chỗ những trẻ mầm non phải học nhờ, học tạm trong nhà dân thôn xóm nay đã có trường, lớp học khang trang. Từ chỗ cuộc sống của giáo viên mầm non chỉ trông chờ vào sự đóng góp của nhân dân thì nay các cô đã được hưởng lương từ ngân sách và các chế độ theo quy định của nhà nước. Sự đóng góp cống hiến của các thế hệ nhà giáo đã tạo nên truyền thống và đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp phát triển giáo dục.

Hai là, trong suốt chiều dài của sự phát triển, ngành giáo dục luôn đón nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và toàn xã hội. Từ những quyết sách lớn như các Nghị quyết của đại hội Đảng các cấp, các đề án, chương trình hành động phát triển giáo dục đào tạo qua các giai đoạn đến các hoạt động cụ thể thiết thực như đầu tư chăm lo xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện các chính sách về chế độ của nhà giáo; công tác hỗ trợ, động viên, tuyên dương khen thưởng, công tác xã hội hóa giáo dục...đã tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục, công tác dạy và học ngày càng thuận lợi và hiệu quả hơn; cơ sở vật chất các trường học ngày càng được tăng cường, tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của Hương Sơn hiện nay là 85,8%, cao hơn mặt bằng chung của toàn tỉnh.

Ba là, trong hoạt động chuyên môn ngành luôn chủ động đón đầu và chỉ đạo quyết liệt các hoạt động đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng toàn diện. Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành đã chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ về hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy, học tập và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học. Đổi mới dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tăng cường kỹ năng thực hành, trải nghiệm, kỹ năng vận dụng kiến thức để  giải quyết các vấn đề thực tiễn. Chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục kỹ năng sống, phát triển toàn điện năng lực, phẩm chất cho học sinh. Song song với đổi mới dạy và học là đổi mới công tác quản lý. Từ Phòng cho đến cán bộ quản lý các nhà trường hàng năm đều xây dựng kế hoạch bài bản, khoa học, cụ thể và chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ một cách quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả. Các nhà trường đã thực hiện khá tốt công tác tự chủ, có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn; phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, các tổ chức, đoàn thể và cán bộ, giáo viên trong từng đơn vị để  tạo được sức mạnh tập thể trong việc tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm trong từng năm học.

Bốn là, chú trọng thường xuyên công tác bồi dưỡng đội ngũ, coi đây là yếu tố quan trọng, quyết định để nâng cao chất lượng. Đa dạng hóa hình thức tổ chức và phương pháp bồi dưỡng đội ngũ. Động viên và tạo mọi điều kiện để CBGV tham gia học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo chuẩn; phát huy tối đa tinh thần tự học của mỗi nhà giáo. Hiện nay, 100% đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên đều đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó tỷ lệ trên chuẩn đạt 90,88%.  Ngành đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng thường xuyên, giáo dục pháp luật; tổ chức các đợt tập huấn, chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn, các cuộc thi... để bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay.

Năm là, hiệu quả và sức lan tỏa của việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đặc biệt là việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được cụ thể hóa và gắn liền với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, sau hơn 10 năm kế từ khi triển khai thực hiện đã tạo nên sự chuyển biến tích cực về mặt tư tưởng, nhận thức và hiệu quả công tác; nền nếp kỷ cương trường học được xiết chặt và củng cố;  đội ngũ CBQL, GV, NV trong ngành luôn giữ vững lập trường tư tưởng chính trị, phát huy tốt phẩm chất đạo đức nhà giáo, yêu nghề, trách nhiệm với học sinh, tinh thần tự học và sáng tạo luôn được phát huy. CBGV, NV toàn ngành đều thi đua phấn đấu hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Sáu là, phụ huynh học sinh và các tầng lớp nhân dân huyện nhà rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo; luôn có sự phối hợp đầy trách nhiệm giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục, chăm lo và tạo mọi điều kiện cho con em học tập và rèn luyện trong môi trường tốt nhất để rèn luyện nhân cách, phát triển kỹ năng và hướng tới tương lai. Từ sự chia sẻ với những khó khăn vất vả của nhà giáo năm xưa trong hoàn cảnh chiến tranh đến sự đồng tình hưởng ứng và ủng hộ các chủ trương, các hoạt động đổi mới giáo dục trong những năm qua của phụ huynh và các tầng lớp nhân dân là điều kiện, là động lực để các thầy cô giáo và các nhà trường nỗ lực sáng tạo, vươn lên trong sự nghiệp trồng người.

Kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng ta càng trân trọng biết ơn công lao to lớn và sự hy sinh cống hiến của các thế hệ nhà giáo huyện nhà bao nhiêu, giáo viên toàn ngành càng phải ra sức thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy và học bấy nhiêu để củng cố, phát huy những thành quả đã đạt được nhằm khẳng định truyền thống của vùng đất học, khẳng định vị thế của giáo dục huyện nhà Hương Sơn trong bức tranh chung của giáo dục Hà Tĩnh và đáp ứng với sự quan tâm, tin yêu của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà.

 

 

Cô giáo Lê Thị Minh trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện nhiều năm liền phụ trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử được xếp thứ Nhất toàn tỉnh.

 

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hùng, giáo viên trường THCS Sơn Kim, hướng dẫn học sinh cuộc thi Sáng tạo KHKT đạt giải giải Ba cấp quốc gia

 


Tác giả: Đào Duy Sỹ, HUV, Trưởng Phòng GD&ĐT
Tổng số điểm của bài viết là: 49 trong 11 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài tin liên quan
Giáo dục
Liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay : 10
Tháng 04 : 3.668